Thế kỷ 21 mở ra một kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp 4.0, các công ty công nghệ ngày càng gia tăng với sức tăng trưởng chóng mặt và dần trở thành một điểm đến hứa hẹn với những ai đang tìm kiếm việc làm. Theo một thống kê từ Hanoi Times, hiện nay Việt Nam có khoảng 60,000 công ty công nghệ mang đến hơn 1 triệu việc làm trên toàn quốc, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của nước nhà. Nếu bạn đang trong quá trình ứng tuyển vào một công ty công nghệ, bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình chuẩn bị và những lưu ý khi tham gia phỏng vấn.
Thu thập thông tin
Ngay sau khi nhận được cuộc gọi hay email về lịch phỏng vấn, hãy ngay lập tức tìm hiểu và nghiên cứu về công ty mà bạn ứng tuyển. Trong buổi phỏng vấn, những câu hỏi đầu tiên của nhà tuyển dụng thường xoay quanh về những gì bạn đã tìm hiểu về công ty và công việc. Sẽ là một điểm trừ lớn nếu như bạn không thể trả lời được những thông tin có sẵn trên website hay fanpage của công ty. Ngoài ra, hãy chú tâm đến việc tìm hiểu những sản phẩm của công ty, đặc biệt đối với những công ty công nghệ sở hữu những sản phẩm đề cao yếu tố kỹ thuật và tính chuyên môn. Nhà tuyển dụng sẽ dựa vào câu trả lời của bạn để đánh giá xem bạn có thật sự mong muốn trở thành một phần của công ty hay chỉ ứng tuyển một cách ngẫu nhiên không có chọn lọc.
Làm rõ lợi thế cạnh tranh của bạn và vì sao bạn muốn vị trí này
Đừng quên chuẩn bị những lợi thế cạnh tranh để bạn trở thành một ứng viên hấp dẫn cho vị trí ứng tuyển, chẳng hạn như công việc cũ đã cho bạn những kinh nghiệm quý báu thực tế nào đó mà không phải ai cũng có, hay những mối quan hệ của bạn có thể hỗ trợ như thế nào trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, việc chỉ ra được tại sao bạn muốn vị trí này và vì sao bạn lại là người phù hợp sẽ tăng thêm tính thuyết phục và khả năng cạnh tranh giữa bạn và những ứng viên khác. Cụ thể ở đây, bạn hãy thể hiện mình quan tâm và hứng thú với công việc, vì nếu như thất bại, bạn có thể bị đánh giá là không có khả năng gắn bó lâu dài. Ngoài ra, nếu tạo được sự liên kết giữa những kỹ năng và kinh nghiệm vốn có của bạn với những mô tả và yêu cầu công việc được công ty đưa ra, nó sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong quá trình cân nhắc của nhà tuyển dụng. Nếu nhà tuyển dụng không thấy bạn là người phù hợp với vị trí đó hay không cảm nhận được bạn có thể gắn bó lâu dài, họ sẽ không đưa ra bất kỳ lời đề nghị nào, dù bạn có giỏi đến đâu.
Chỉnh tề ngoại hình và trang phục
Nhà tuyển dụng có thể có những ấn tượng ban đầu tích cực hoặc tiêu cực đối với bạn dựa qua vẻ bề ngoài, chính vì thế trang phục thiếu chỉn chu có trở thành một tác nhân ảnh hưởng xấu đến quá trình xin việc.
Trang phục phỏng vấn không nên quá màu mè hay kiểu cách, mà thay vào đó nên chọn những trang phục lịch sự, gọn gàng và nền nã nhưng tuyệt đối không được quá xuề xoà. Trang phục xuề xoà sẽ tạo cho nhà tuyển dụng cảm giác khó chịu, không hài lòng và đặc biệt là cảm giác bạn thiếu tôn trọng với công việc đang ứng tuyển. Vì vậy hãy chịu khó dành chút thời gian chuẩn bị những bộ trang phục giúp bạn trở nên chuyên nghiệp hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Đúng giờ
Việc ứng viên đến muộn hoặc quá sớm so với lịch phỏng vấn có thể bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp và ảnh hưởng đến sự thành công của quá trình xin việc. Đúng giờ không chỉ cho thấy bạn là một người nghiêm túc trong công việc mà còn cho thấy bạn tôn trọng thời gian của đối phương. Nếu như đến muộn hơn so với giờ phỏng vấn dù chỉ là 1,2 phút, nó vô tình tạo cảm giác bạn thiếu sự chuẩn bị và không quá coi trọng công việc đang ứng tuyển. Ngược lại, nếu đến quá sớm, bạn có thể đẩy nhà tuyển dụng rơi vào tình trạng bối rối vì đang dở những công việc khác hoặc chưa chuẩn bị xong cho buổi phỏng vấn. Thời gian lý tưởng để xuất hiện là sớm hơn lịch phỏng vấn từ 5 đến 15 phút.
Giữ thái độ tích cực
Ngoài kỹ năng và kinh nghiệm, thái độ chính là yếu tố quan trọng tác động đến sự cân nhắc của nhà tuyển dụng trong quá trình trao đổi giữa 2 bên. Các công ty công nghệ thường có điểm chung là môi trường năng động, trẻ trung với tinh thần không ngừng đổi mới. Vì vậy, bí quyết để thành công ứng tuyển vào công ty công nghệ đó là phải tạo được nguồn năng lượng tích cực, sự nhiệt huyết, tính tự chủ và sự nhanh nhẹn. Nó có thể bộc lộ qua cách bạn chủ động đặt câu hỏi cho người phỏng vấn, hay thể hiện thái độ hòa đồng, cởi mở thông qua chính nụ cười của mình.
Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng luôn hỏi liệu bạn có thắc mắc gì về công việc cũng như vị trí ứng tuyển hay không. Đừng bao giờ lãng phí cơ hội này, hãy chủ động đặt câu hỏi, đây chính là lúc để bạn có thể hiểu rõ hơn về công việc cũng như mong muốn từ phía công ty, từ đó giúp bạn có cái nhìn tổng quan về mức độ phù hợp giữa 2 bên. Hơn nữa bạn cũng có thể cho NTD thấy được sự cầu thị của mình đối với cơ hội nghề nghiệp cũng như môi trường công ty mà bạn đang ứng tuyển
Phỏng vấn xin việc là một bước quan trọng trong quá trình ứng tuyển việc làm, không chỉ những bạn trẻ thiếu kinh nghiệm phỏng vấn thực tế mà ngay cả những người đi làm lâu năm cũng có thể gặp phải những lỗi không đáng có. Vì vậy, hãy chuẩn bị và tham khảo các mẹo thật kỹ trước buổi phỏng vấn để hạn chế rủi ro và giúp mọi thứ diễn ra thuận lợi hơn. Hãy đón đọc nhiều bài viết hữu ích khác trên sealcommerce.asia nhé. Chúc bạn thành công!